Tuesday, June 11, 2013

LƯU THỦY HÀNH VÂN - Soạn và độc tấu Đàn Tranh: NS Nguyễn Đăng Thảo


Đây là một bài nhạc hay trong truyền thống nhạc Tài tử va Cải lương Việt Nam. Tựa đề bài hát Lưu Thủy Hành vân nhằm diễn tả âm thanh tiếng đàn thánh thót dịu êm như nước chảy mây trôi, ru đẹp lòng người.
Mở đầu bài nhạc tôi dùng kỹ thuật lướt dây đánh đàn chữ Á để tạo âm thanh như dòng nước chảy, lúc nhẹ nhàng phẳng lặng sóng gợn lăng tăng, lúc reo vui róc rách như tiếng suối chảy qua khe trong rừng núi thiên nhiên, hay mạnh bạo như dòng nước chảy qua ghềnh thác, nước văng tung tóe, sóng dâng cuồn cuộn. Kỹ thuật tremolo bằng hai tay cũng được sử dụng. Đây là những kỷ thuật không có trong trình tấu đàn Tranh truyền thống Viêt Nam, đặc biệt là trong đánh đàn nhạc Cải lương Tài tử. Những sáng tạo này nhằm phát triển nhạc truyền thống Việt, tạo thêm chất phong phú cho nhạc truyền thống cũng như chất đa dạng của Đàn Tranh. Những lần trình diễn trong các Đại hội Âm nhạc (Festivals) tại Úc cũng như ở Singapore và Mã Lai đã cho thấy đàn Tranh Việt rất được yêu thích, những kỹ thuật đánh đàn truyền thống cũng như mới đã được dùng.

Bài nhạc đã được viết theo hệ thống ngũ cung Sol Si Do Re Fa (GBCDF), do đó dây đàn tranh cũng được lên theo hệ thống ngũ cung này. Theo truyền thống đó là ngũ cung Hò Xứ Xang Xê Cống (Oan), trong đó Xứ là nốt Si (B) và Cống (Oan) là Fa (F) thay vì Công là Mi (E). Trong clip Video bên dưới tôi đàn theo hệ thống dây Đào, nên các bạn lên theo cao độ Sol Si Do Re Mi, khi đàn sẽ nghe cao hơn tiếng đàn trong clip trình diễn này.
Ghi chú: Để đàn đúng theo cao độ trong video clip này, các bạn lên
dây Hò hay Sol theo cao độ nốt Re (D),
dây Xứ hay Si theo cao độ nốt Fa (F)
dâyXang hay Do theo cao độ nốt Sol (G)
dây Xê hay Re theo cao độ nốt La (A)
dây Cofjng (Oan) hay Fa theo cao độ nốt Đô (C)
Chúc các bạn mọi may mắn, an vui và mạnh khỏe, đàn hát hay, yêu đời, yêu âm nhạc.
Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)