Tuesday, November 10, 2015

NGUYỄN ĐĂNG THẢO - Vài Nét Chấm Phá Trong Đời Sống Âm Nhạc

Đăng Thảo (Nguyễn Đăng Thảo) là giáo sư và nhạc sĩ, tốt nghiệp
  • Trung học Pétrus-Ký (1961-1968)
  • Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn (Guitar & Đàn Tranh - 1971)
  • Cử Nhân Giáo Dục (ĐH Adelaide - 1991)
  • Cao Học Âm Nhạc (ĐH Adelaide - 1994)
  • Thạc Sĩ Giáo Dục Điện Toán (ĐH Nam Úc - 2005)
Anh hiện là Giáo Sư Toán và Điện Toán tại Hamilton College và dạy Nhạc tại University of Adelaide.

Ở Việt Nam, anh đã tích cực sinh hoạt văn nghệ ngay từ bước đầu bậc Trung Học cho đến ngày rời khỏi Việt Nam. Anh là thành viên của Ban Dân Ca Dân Nhạc Pétrus-Ký (1961-1965), Ban Bách Việt (1971-1975), Ca trưởng CCa Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Nha trang (1970-71), Trưởng nhóm Ca Nhạc Dân Tộc Bách Việt (1978-1982) trình diễn mỗi đêm ở Sài Gòn và trên khắp nước Việt Nam, từ vùng Sông Hậu Cần Thơ cho đến Hà Nội, Hãi Phòng. Anh cũng là Ca Trưởng Ca Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang (1970-1971).
Khi còn ở VN với Nhóm Bách Việt

Khi đến định cư tại Úc, Đăng Thảo đã liên tục hoạt động tích cực dể bảo tồn, phát triển và trình bày nét hay đẹp của âm nhạc, văn hóa và ngôn ngữ Việt trong Cộng Đồng Việt và Cộng đồng Úc rộng lớn. Anh đã

  • Trình diễn trên khắp nước Úc và nước ngoài, tại các Lễ Hội Âm nhạc như Maleny & Woodford Folk Festival (Queensland), National Folk Festival (Canberra), Melbourne International Festival, Bellingen Global Carnival (NSW), Festival of Arts and Fringe (SA), Multicultural Carnival (SA), SA Folk Festival, Multicultural Festivals, Singapore (Festival of Arts) and Malaysia; 
    Hình chụp với Ngài Toàn Quyền Nam Úc Lê Văn Hiếu
    và Ông Chủ Tịch CĐNVTD/NU
    sau buổi trình diễn tại Quốc Hội Nam Úc
  • Trình diễn trong các Lễ Hội và Lễ Kỷ Niệm Cộng dồng Việt Nam như Tết Nguyên Đán, Trung Thu, các Chương trình Văn nghệ, các Hội nghị & Họp mặt Địa phương hay Quốc tế, trên khắp các tiểu bang Úc như Tây Úc (Perth), NSW (Sydney), Victoria (Melbourne), và Nam Úc (Adelaide)
  • Trình diễn và Thuyết trình trong Đại Hội Toàn Cầu Âm Nhạc Truyền thống Việt Nam tại Sydney, Úc Châu (2015)
  • Trình diễn va được phỏng vấn nhiều lần trên Đài phát thanh Quốc Gia ABC, SBS, 5UV, Radio Adelaide và 5EBI/FM.
  • Sáng tác, biên đạo nhạc (musical director), thu âm và trình diễn cho
    Đăng Thảo và Đăng Lan - Sydney
    • phim truyên "Saigon Doctor" (1988)
    • vở kịch "Life With Past Images’ (Centre For Performing Arts -1991)
    • phim tài liệu "The Art of Place" (ABC/TV & Griffin University, 1995)
    • vở kịch truyền thanh đài ABC "Lotus War' (1996)
    • vở kịch "The Boy with Bamboo Flute" (Patch Theatre, 1997 - 2007 đã trình diễn khắp nước Úc, kể cả hai tuần ở Sydney Opera House, và ở Mỹ, Nhật, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, Singapore, Đại Hàn.
    • vở Nhạc kịch "Thếu Phụ Nam Xương" (Melbourne - 1999)
    • vở kịch "Meat Party" (Junction Theatre - 1999)
    • vở kịch "Wild Rice"  (Junction Theatre -2000)
  • Sáng tác và viết hòa âm cho The Primary schools' Music Festival trình diễn tại Adelaide Festival Theatre (1994, 2001)
  • Là thành viên của ban nhạc 
    • Multicultural Band (1988) được truyền thanh trong chương tình Music Deli (ABC) trong buổi ra mắt đầu tiên.
    • Điều Khiển Ca Đoàn DCCT Nha Trang
      trong một buổi trình diễn tại Nha trang
    • Dya Singh (1992-1997, 2003) đã trình diễn ở Singapore và Mà Lai
  • Đã thành lập và là trưởng các nhóm
  • Dạy nhạc tại Nhạc Viện Elder, Đại Học Adelaide - Úc Châu
    • Bách Việt (1983-1987)
    • Mandoline Ensemble (1983-1989) được thành lập bởi các em học sinh nhạc của Thầy Nguyễn Đăng Thảo tại Trường Việt Ngữ Lạc Long
    • Đăng Thảo Ensemble (1988-2013)
    • Bamboo Ochre - Word Music (1993-1996)
    • Về Nguồn (1997- 2008)
    • Đăng Thảo & Gerard Menzel (1990-2010)
    • Đăng Thảo & Ros Hewton (1997-2013)
  • Thuyết trình tại các Đại học, Trung học, Tiểu học, Đại hội Van Hóa, Giáo dục và Nghệ thuật
  • Dạy nhạc tại Đại Học Adelaide và lớp nhạc tư.
  • Là Giáo sư Toán và Điện toán (toàn thời) tại các trường The Parks High School (1987-1996), Thebarton Senior College (1997-2003 và Hamilton Secondary School (2004- ). Chánh Giám Khảo Nha Khảo Thí Nam Úc.
  • Dạy Tiếng Việt vào chiều tối Thứ sáu và Thứ Bảy tại Trường Việt Ngữ Lạc Long (1983-1992), St Mary's College (1993-2007)
  • Hiện đang thực hiện chương trình phổ biến nhạc cổ điển truyền thống Việt Nam và các bài nhạc mới có âm hưởng dân tộc qua Đàn Tranh, Độc Huyền và Sáo Trúc trên Youtube.com, Facebook và Web pages cho khán thính giả trên khắp thế giới
  • Trình tấu Guitar Cổ điển cũng như soạn các bài nhạc Việt và quốc tế nổi tiếng cho Guitar dộc tấu, gởi đến giới yêu nhạc qua Youtube.com, Facebook và Web pages.
  • Đã viết các sách về âm nhạc Việt Nam
    • Musical Instruments of the Vietnamese - A Selected Chordophone: The Đàn Tranh (1998)
    • The Notational Systems Used in Vietnamese Music (1999)
  • Đã phát hành các CD:
    • Zither Nostalgie - Tình Hoài Hương (2001) (Đàn Tranh)
    • Journeys in Music (2010) (Đàn Guitar)

Monday, November 9, 2015

Lý Ngựa Ô (Bắc) - Dân Ca Miền Nam - NS Nguyễn Đăng Thảo Soạn cho Đàn Tranh


Lý Ngựa Ô (Bắc) là một bài dân ca Miền Nam thuộc thể lại "LÝ". Đây là thể loại thể hiện tâm tình của người dân Miền Nam, trong làng xóm, trên ruộng đồng sông nước. Họ thường "lý" với nhau những lúc làm việc hay khi vui chơi giải trí. Do đó nội dung các bài Lý thường phản ảnh những sinh hoạt thường nhật, bối cảnh cuộc sống xa hội đương thời, hay những ước mơ lãng mạn của con người. "Lý Ngựa Ô" cũng nói lên những mộng mơ cùng tình cảm lãng mạn của của dân gian Việt.

Bài dân ca Lý Ngựa Ô (Bắc) được xây dựng trên hai câu ca dao:
"Ngựa ô anh thắng kiệu vàng,
Anh tra khớp bạc, đưa nàng về dinh"

Như cách gọi tên của các bài Lý, hai chữ đầu "Ngựa ô ..." của câu ca dao đã được dùng để đặt tên cho bài hát. Ngoài ra nội dung bài hát cũng thể hiện chung quanh hình ảnh "con ngựa màu đen" (ô có nghia là đen)

Theo nội dung lời ca, chúng ta thấy rõ ràng hình ảnh của một đám cưới qua tập tục rước dâu. Chú rễ đã sửa soạn một cỗ xe thật đẹp, có chiếc kiệu vàng thắng sau con ngựa ô. Với những trang trí rực rỡ cho lễ rước dâu, vật dụng được làm bằng kim loại quý , nào là "khớp bạc" (các đầu khớp được bọc bạc), "lục lạc đồng đen" (các lục lac ngựa đeo được làm bằng đồng đen), và "cán roi anh bịt đồng thòa"....

Giai điệu tiết tấu bài dân ca tươi vui, thể hiện được tâm tình của chàng trai trong ngày vui lớn nhất trong cuộc đời, âm thanh cho ta nghe được ân tiết tấu của chú ngựa ô rộn ràng gõ bước chân trên đường, như tiếng lòng của chàng trai trên đường rước cô dâu về lâu đài tình ái, cùng xây dựng hạnh phúc trăm năm.

Lý Ngựa Ô
   Lời chính:
Khớp con ngựa, ngựa ô. Khớp con ngựa, ngựa ô.
Ngựa ô anh thắng, anh thắng cái kiệu vàng (í i ì í í).
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, búp sen lá dặm
Giây cương anh nhuộm thắm, cán roi anh bịt đồng xoà.
Là đưa (í a) đưa nàng, đưa nàng, anh đưa nàng về dinh.
Là đưa (í a) đưa nàng, đưa nàng, anh đưa nàng về dinh.
   
    Phạm Duy đặt thêm lời mới:
Khớp con ngựa, ngựa ô. Khớp con ngựa, ngựa ô.
Ngựa ô anh thắng, đi khắp các nẻo xa (Ứ ư ừ ứ ư).
Đi qua núi mộng, trở lại đồi mơ.
Đi bên suối đợi, đi sang rừng nhớ, dắt nhau trông biển hẹn hò
Là theo (í a ) theo chàng, theo chàng, thiếp theo chàng một phen.
Là theo (í a) theo chàng, theo chàng, thiếp theo chàng một phen...

Khớp con ngựa ngựa ô. Khớp con ngựa ngựa ô 
Ngựa ô anh khớp duyên bén ta thành đôi (ứ ư ứ ứ ư)
Trong sân pháo nổ, cả họ mừng vui. Em mang áo đỏ,

Chân đi hài tía, Thắt lưng dây lụa màu vàng
Cùng nhau (í a) tơ hồng, lễ tơ hồng,lễ tơ hồng cùng nhau (ơ) 
Cùng nhau (í a) tơ hồng, lễ tơ hồng, lễ tơ hồng cùng nhau.


Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)

Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)


NGUYỄN ĐĂNG THẢO TRÌNH TẤU ĐÀN TRANH BÀI "LÝ NGỰA Ô (BẮC)"



LÝ NGỰA Ô (BẮC) - NHẠC SĨ NGUYỄN ĐĂNG THẢO SOẠN CHO ĐÀN TRANH
 BÀI DÂN CA "LÝ NGỰA Ô (BẮC)" VỚI LỜI TRUYỀN THỐNG


Sunday, January 26, 2014

Xuân Này Con Không Về (Trịnh Lâm Ngân) -Soạn cho Đàn Tranh & Trình tấu: NS Nguyễn Đăng Thảo

 Tết là lễ hội quan trọng nhất trong văn hóa người Việt chúng ta với tên đầy đủ là Tết Nguyên Đán. Chúng ta ăn Tết để đón mừng tiết đầu năm, thời điểm đầu tiên bắt đầu một năm mới, buổi sáng đầu tiên của ngày đầu tiên một năm mới theo Âm Lịch. Chúng ta đón Tết với hy vọng mọi điều tốt đẹp cho năm mới; tống đi những chuyện cũ của năm qua, ước mong vạn sự như ý sẽ tới. Chúng ta ăn Tết chào đón mùa Xuân mới sang, khí trời mát mẻ dịu dàng, trai thanh gái lịch với tấm lòng rộng mở. Do đó, trong thơ văn, ca nhạc thường diễn tả Tết với văn ngữ tươi đẹp: "ngày xuân", "ngày đầu xuân", "mùa xuân mới". Thật vậy, sau khi đón Giao Thừa, chúng ta vùi mình vào giấc ngủ êm đềm, để rồi khi thức dậy, sẽ thấy buổi sáng đầu năm thật rạng rỡ, chói chang, bóng nắng như muôn vạn ánh hào quang tỏa sáng trên bầu trời trong xanh, mang đến niềm vui tưng bừng trong lòng người.

Ở phần mở đầu, bài hát đã vẽ nên khung cảnh mùa xuân với hoa mai, cành đào, những cánh én bay lượn để báo hiệu Xân về Tết đến:
"Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về,
Nay én bay đầy trước ngỏ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa"

Với khung cảnh xuân rực rỡ, sống động như thế, nhưng trong lòng tác giả, cũng là hình ảnh của những người phải xa nhà trong ngày Tết vì nhiệm vụ ,công việc, tình cảnh khó khăn, hay bất cứ một lý do nào khác, đã hằn nét sầu bi vì phải xa cách mẹ già, gia đình muôn dặm đường xa. Trong nỗi buồn đau xa nhà, tác giả mơ về một thời bình yên bên mái ấm gia đình trong ba ngày Tết:
"Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vuị
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơị
Bên mái tranh nghèo, ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Ðỏ hay hay những đôi má đào."

Vi` sao tác giả phải sống xa nhà, để phải viết lên những lời tha thiết, đầy lòng yêu thương, nhưng không dấu được đau buồn trong lời thơ ý nhạc?
Ai đã gây ra tình cảnh này?

"Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sữa sang.
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân.
Ðàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai
Sẽ mang về cho tà áo mới
Ba ngày xuân đi khoe xóm giềng."
"Con biết không về mẹ chờ, em trông.
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong.
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
Không lẻ riêng mình êm ấm?
Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà."

Trong dịp Xuân về Tết đến, tôi kính chúc tất cả quý vị và các bạn MÙA XUÂN ĐOÀN TỤ, TƯƠI VUI, SỨC KHỎE, AN KHANG, THỊNH VƯỢNG, MỌI THÀNH CÔNG VÀ ĐẦY TÌNH YÊU HẠNH PHÚC.
Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)

ĐĂNG THẢO TRÌNH TẤY ĐÀN TRANH


"XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ" - ĐĂNG THẢO SOẠN CHO ĐÀN TRANH






Thursday, January 16, 2014

LÒNG MẸ (Y Vân) - NS Nguyễn Đăng Thảo soạn cho Đàn Tranh và trình tấu


Lòng Mẹ là một bài hát hay của Y Vân đã đi vào lòng người qua nhiều thập niên dù có những đổi thay chính trị, thăng trầm lịch sử. Lòng thương con tuyệt vời của mẹ vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Tình mẹ thương con sâu đậm như biển rộng sông dài, êm đềm, ngọt ngào như ánh trăng huyền diệu soi bóng bên thềm, như làn gió mát ru con vào giấc ngủ. Ôi mẹ thương con với biết bao hy sinh, chăm sóc nuôi dưỡng con khôn lớn thành người. Dù tóc còn xanh ở tuổi đôi mươi cho đến khi mái đầu trắng xóa, lòng mẹ luôn tràn đầy cho con cái.
Tôi soạn và trình tấu bài Lòng Mẹ để kính tặng Mẹ trong ngày sinh nhật của bà, cũng như kính mến gởi đến tất cả những Bà Mẹ đã yêu thương con cái, không quản khuya sớm gian nan, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ, lo lắng cho sức khỏe. việc học hành tương lai con mình, vui buồn cùng con qua ngày tháng. Tôi xin gởi bài đàn tranh này như là lòng tri ân của người con đến với Mẹ.

Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)


ĐĂNG THẢO TRÌNH TẤU ĐÀN TRANH BÀI HÁT "LÒNG MẸ"



BÀI NHẠC ĐÀN TRANH "LÒNG MẸ" DO ĐĂNG THẢO SOẠN









 

Saturday, December 21, 2013

GIẤC MƠ TRƯA (Giáng Sơn) - Đàn Tranh & Trình Tấu: NS NGUYỄN ĐĂNG THẢO



 Đây là một bài nhạc trẻ hay với tình cảm nhẹ nhàng êm đềm đầy chất tình cảm lãng mạn trong hình ảnh thân thương của quê hương VN. Giáng sơn sáng tác trên âm thể truyền thống Việt rất phù hợp cho Đàn Tranh. Tôi đã ghi lại cho Đàn Tranh và xin được gởi đến quý vị cùng các bạn GIÁC MƠ ĐẸP trong không khí lễ hội những ngày cuối năm.
Giấc Mơ Trưa đã được viết theo âm thể hơi Nam (ca Huế) Sol La Do Re Mi (Ho Xu Xang Xe Cong), do đó dây Đàn Tranh cũng được lên theo âm thể ngũ cung này
Ghi chú: Để đàn đúng theo cao độ trong video clip này, các bạn lên
dây Hò* hay Sol theo cao độ nốt Fa (F),
dây Xư hay Si theo cao độ nốt Sol (G)
dâyXang hay Do theo cao độ nốt Sib (Bb)
dây Xê hay Re theo cao độ nốt Do (C)
dây Công (Oan) hay Fa theo cao độ nốt Re (D)
( * Dây Hò hay S là dây trầm nhất hay dây thứ hai trấm nhất tùy theo thói quen lên dây của người đánh đàn)
Chúc các bạn mọi may mắn, an vui và mạnh khỏe, đàn hát hay, yêu đời, yêu âm nhạc.

Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)

ĐĂNG THẢO TRÌNH TẤU ĐÀN TRANH  "GIẤC MƠ TRƯA":

BÀI ĐÀN TRANH "GIẤC MƠ TRƯA"

LỜI CA:

Giấc Mơ Trưa
Em nằm em mơ
Một ngày trong veo
Một mùa nghiêng nghiêng
Cánh đồng xa mờ
Cánh cò nghiêng cuối trời

Em về nơi ấy
Một bờ vai xanh
Một dòng tóc xanh
Đó là chân trời
Hay là mưa cuối trời

Và gió theo em đi về con đường
Và nắng theo em bên dòng sông vắng
Mùa đã trôi đi những miền xanh thẳm
Mùa đã quên đi những lần em buồn

Từng dấu chân xưa trên đường em về
Giờ đã ra hoa những nhành hoa vắng
Người đã đi qua những lời em kể
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một tiếng chuông chùa

Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một giấc mơ vắng

Monday, October 7, 2013

Ngũ Điểm Mai - Tọa Ngọc Lầu (Ngũ Điểm - Bài Tạ). Độc Tấu Tranh: NS Nguyễn Đăng Thảo


NGŨ ĐIỂM MAI - TỌA NGỌC LẦU thường được gọi là NGŨ ĐIỂM BÀI TẠ, là hai bài nhạc ngắn rất phổ biến trong truyền thống nhạc Tài Tử / Cải Lương Việt Nam.
Tên Ngũ Điểm Mai là từ Hán Việt diễn tả hoa mai năm cánh cao sang,  nở rộ vàng rực vào mùa xuân, mang đến niềm vui rôn ràng tươi mát cho thiên nhiên, con người. Mỗi lần Mai vàng hé nụ trên cành là chúng ta biết Mùa Xuân đang đến, lòng người rộng mở yêu thương. Hoa Mai khoe sắc để đón chào Xuân, thời gian bắt đầu một năm mới với những ước vọng tốt đẹp, với những lời chúc thân tình may mắn cho nhau. Hoa Mai còn tượng trưng cho sự trung thành. Trung thành trong tình yêu, trong việc làm, trong đời sống hàng ngày. Hoa mai nở rất đúng hẹn. Nhũng cán hoa vàng rực luôn mở rộng năm cánh xinh tươi mỗi độ xuân về. Vào khoảng cuối Tháng Chạp Âm lịch, những cánh Mai vàng lại hé nụ báo hiệu xuân sang. Đây cũng là lúc sinh hoạt của người Việt trở nên rộn ràng, tưng bừng để chuẩn bị đón mừng Giao thừa và ăn Tết  Hoa nai là hình ảnh thân thiết trong văn hóa Việt, trong gia đình người Việt. Vui chơi ba ngày Tết không thể thiếu được cành Mai. Trong nhà mọi người vàodịp Tết đều có chưng ít nhất một cành Mai, để mang không khí Tết cho gia đình, cùng đem đến sự may mắn và hạnh phúc cho mọi người. Hoa Mai còn báo hiệu ngày Tết sum vầy cho nhừng người xa quê, xa gia đình.Tặng nhau cành Mai thể hiện tình bạn trong sáng cao quý, và là tượng trưng cho lời chúc may mắn tốt đẹp nhất cho một năm mới.
Tọa Ngọc Lầu cũng là từ Hán Việt có nghĩa là ngồi trên lầu ngọc. Đây là hình ảnh chúng ta thường tìm gặp trong văn chương, hội họa và âm nhạc Đông Phương. Bài nhạc diễn tả hình ảnh con người phong nhã thanh tao, tâm hồn thiền định, ngồi trên lầu ngọc thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên tuyệt vời.
Bài nhạc Ngũ Điểm - Bài Tạ có âm thanh rộn ràng tươi vui. Bài nhạc được viết theo hệ thống ngũ cung Hoi Quảng Hò Xư Xang Xê Công (Sol La Đô Rê Mi). Trong đàn Tranh, kỹ thuật song thanh được dùng cho hầu như toàn bài nhạc. Với kỹ thuật song thanh, người đánh đàn dùng ngón giũa và ngón cái của bàn tay phải đánh lên dây đàn cho âm thanh bát độ. Thí dụ như ngón giữa đánh nốt Sol thấp thì ngón cái đánh nốt Sol cao, ngón cái nốt La thấp thì ngón cái nốt La cao. Kỹ thất đánh đàn này này đã tạo cho bài nhạc âm thanh réo rắt, nhún nhảy.
 Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)

 ĐĂNG THẢO ĐỘC TẤU TRANH "NGŨ ĐIỂM - BÀI TẠ"



BÀI ĐÀN TRANH "NGŨ ĐIỂM - BÀI TẠ"
Trong clip Video trên, tôi đàn theo hệ thống dây Đào, nên các bạn lên dây Hò Xư Xang Xe Công  theo cao độ Sol La Do Re Mi, khi đàn sẽ nghe cao hơn tiếng đàn trong clip trình diễn này.
Ghi chú: Để đàn đúng theo cao độ trong video clip này, các bạn lên
dây Hò hay Sol theo cao độ nốt Re (D),
dây Xứ hay La theo cao độ nốt Mi (E)
dây Xang hay Do theo cao độ nốt Sol (G)
dây Xê hay Re theo cao độ nốt La (A)
dây Công hay Mi theo cao độ nốt Si (B)
Chúc các bạn mọi may mắn, an vui và mạnh khỏe, đàn hát hay, yêu đời, yêu âm nhạc.
Nguyễn Đăng Thảo


BÀI HÁT "NGŨ ĐIỂM - BÀI TẠ", Đăng Thảo ký âm
Đây là bài hát tôi ký âm theo lời hát của GS Phạm Văn Nghi đã dùng để dạy trong Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn (Sau 1975, CS đã đổi tên thành Nhạc Viện VN)


Sau đây là bài "Ngũ Điểm - Bài Tạ" tôi đã ký âm lại theo một bài thu âm với giọng hát Vũ Linh. Quý vị và các bạn sẽ thấy giai điệu có đôi chút thay đổi nếu so với bản ký âm trên theo lời hát của GS Phạm Văn Nghi. Nếu các quý vị và các bạn chú ý sễ thấy những đổi khác về cao độ là do thanh giọng của tiếng Việt. Lời ca có dấy huyền (`) sẽ có cao độ thấp hơn với lời ca có dấu sắc ('), họac lời ca có dấu hỏi  (?) ngã (~) sẽ cao hơn dấu nặng (.). Tiếng Việt có sáu thanh giọng với sáu cao độ khác nhau. Do đó khi đưa vào lời hát, giai điệu cao thấp của bài nhạc phải phù hợp theo độ cao thấp của dấu giọng sắc huyền hỏi ngã nặng và không dấu. Ngoài ra, trong tiết tấu bài nhạc, khi hát người hát có thể tùy nghi hát với nhịp chỏi để thể hiện tài năng của mình và để diễn tả cho phù hợp với lời hát, khung cảnh tình cảm dùng cho bài hát   Tuy nhiên, dù lời hát có thay đổi như thế nào đi nữa, cấu trúc chính của bài hát không thay đổi. Khi hát bài này, quý vị và các bạn sẽ thấy giai điện "Ngũ Điểm - Bài Tạ" thể hiện rõ ràng dù có những nhịp chỏi và những những nốt nhạc có cao độ và trường độ khác với bài trên.
Chúc các bạn đàn hát hay, vui vẻ và yêu đời.
Nguyễn Đăng Thảo

Tuesday, June 11, 2013

LƯU THỦY HÀNH VÂN - Soạn và độc tấu Đàn Tranh: NS Nguyễn Đăng Thảo


Đây là một bài nhạc hay trong truyền thống nhạc Tài tử va Cải lương Việt Nam. Tựa đề bài hát Lưu Thủy Hành vân nhằm diễn tả âm thanh tiếng đàn thánh thót dịu êm như nước chảy mây trôi, ru đẹp lòng người.
Mở đầu bài nhạc tôi dùng kỹ thuật lướt dây đánh đàn chữ Á để tạo âm thanh như dòng nước chảy, lúc nhẹ nhàng phẳng lặng sóng gợn lăng tăng, lúc reo vui róc rách như tiếng suối chảy qua khe trong rừng núi thiên nhiên, hay mạnh bạo như dòng nước chảy qua ghềnh thác, nước văng tung tóe, sóng dâng cuồn cuộn. Kỹ thuật tremolo bằng hai tay cũng được sử dụng. Đây là những kỷ thuật không có trong trình tấu đàn Tranh truyền thống Viêt Nam, đặc biệt là trong đánh đàn nhạc Cải lương Tài tử. Những sáng tạo này nhằm phát triển nhạc truyền thống Việt, tạo thêm chất phong phú cho nhạc truyền thống cũng như chất đa dạng của Đàn Tranh. Những lần trình diễn trong các Đại hội Âm nhạc (Festivals) tại Úc cũng như ở Singapore và Mã Lai đã cho thấy đàn Tranh Việt rất được yêu thích, những kỹ thuật đánh đàn truyền thống cũng như mới đã được dùng.

Bài nhạc đã được viết theo hệ thống ngũ cung Sol Si Do Re Fa (GBCDF), do đó dây đàn tranh cũng được lên theo hệ thống ngũ cung này. Theo truyền thống đó là ngũ cung Hò Xứ Xang Xê Cống (Oan), trong đó Xứ là nốt Si (B) và Cống (Oan) là Fa (F) thay vì Công là Mi (E). Trong clip Video bên dưới tôi đàn theo hệ thống dây Đào, nên các bạn lên theo cao độ Sol Si Do Re Mi, khi đàn sẽ nghe cao hơn tiếng đàn trong clip trình diễn này.
Ghi chú: Để đàn đúng theo cao độ trong video clip này, các bạn lên
dây Hò hay Sol theo cao độ nốt Re (D),
dây Xứ hay Si theo cao độ nốt Fa (F)
dâyXang hay Do theo cao độ nốt Sol (G)
dây Xê hay Re theo cao độ nốt La (A)
dây Cofjng (Oan) hay Fa theo cao độ nốt Đô (C)
Chúc các bạn mọi may mắn, an vui và mạnh khỏe, đàn hát hay, yêu đời, yêu âm nhạc.
Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)